Khi bị viêm amidan, trẻ có thể bị sốt. Sốt amidan không phải là tình trạng bất thường nhưng nếu không biết cách hạ sốt kịp thời, trẻ có thể gặp những biến chứng nguy hiểm hơn như co giật, hôn mê. Bố mẹ hãy tìm hiểu rõ hơn về tình trạng sốt amidan ở trẻ trong bài viết dưới đây nhé.
Hiện tượng sốt amidan ở trẻ
Trong số những đối tượng bị viêm amidan, trẻ nhỏ chiếm tỷ lệ rất cao. Do sức đề kháng và hệ miễn dịch của các bé còn chưa hoàn thiện nên khi tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, trẻ dễ mắc viêm amidan với các triệu chứng đi kèm thường nặng nề hơn người lớn. Trong đó sốt amidan ở trẻ là một biểu hiện nguy hiểm của bệnh. Nhiều em bé bị sốt rất cao lên đến 39 – 40 độ C. Khi đó ngoài nhiệt độ cơ thể cao, trẻ còn xuất hiện các dấu hiệu co giật, li bì khiến cha mẹ vô cùng lo sợ.
Nhận diện sốt amidan ở trẻ
Khi bị viêm amidan, độc tố từ ổ viêm sẽ kích thích cơ thể sản xuất chất gây sốt nội sinh. Đây là phản ứng của cơ thể với bệnh nhiễm trùng, nhằm chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như vi khuẩn, virus.
Biểu hiện sốt khi viêm amidan thường xuất hiện khi tình trạng amidan sưng to, tấy đỏ ở 1 bên hoặc cả 2 bên. Thậm chí, có trường hợp cổ họng nổi hạch gây ra những cơn đau vượt quá ngưỡng chịu đựng của trẻ, khi đó cơ thể trẻ cũng có thể phản ứng lại bằng những cơn sốt cao đột ngột.
Tùy vào từng loại viêm amidan cũng như giai đoạn bệnh của mỗi người mà tình trạng sốt amidan sẽ có những biểu hiện khác nhau. Có trẻ bị sốt cao, nhưng cũng có trẻ chỉ sốt nhẹ. Bên cạnh đó, cũng có những trẻ bị viêm amidan nhưng không hề sốt.
Sốt viêm amidan cấp tính
Trong trường hợp bị viêm amidan cấp tính, trẻ có thể sốt đột ngột với nhiệt độ từ 38 – 39 độ C, đặc biệt kèm dấu hiệu rét run người, mệt mỏi, đau đầu, ăn uống kém, chán ăn, bỏ bú. Một số trẻ sốt cao kéo dài có thể có dấu hiệu mất nước như khát nước, khô miệng, khô da, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, táo bón. Bên cạnh đó là các dấu hiệu điển hình của viêm amidan cấp như đau họng, khó nuốt, viêm mũi, chảy nước mũi, khò khè, ngủ ngáy…
Sốt do viêm amidan mãn tính, viêm amidan hốc mủ
Trong trường hợp này, người bệnh có thể sốt nhẹ hoặc không sốt, không rét run, không ớn lạnh nhưng thường sốt vặt, ngây ngây sốt về chiều (cần phân biệt với bệnh lao phổi cũng sốt về chiều). Tình trạng này thường kèm theo các dấu hiệu ho khan từng cơn kéo dài nhất là vào buổi sáng khi mới ngủ dậy, rát họng, cảm giác nuốt vướng, khò khè, ngủ ngáy, hơi thở hôi…
Trẻ viêm amidan sốt mấy ngày?
Các chuyên gia khẳng định, rất khó để có thể xác định chính xác bệnh viêm amidan sốt mấy ngày sẽ khỏi. Theo một số nghiên cứu thống kê thì trung bình bệnh viêm amidan sẽ gây sốt từ 1 – 4 ngày. Khoảng 70% bệnh nhân sẽ hết sốt trong khoảng 3 – 4 ngày sau đó nếu điều trị đúng và kịp thời.
Ngược lại, trong trường hợp bệnh nhân chủ quan không điều trị hoặc điều trị sai cách, bệnh sẽ rất dễ tái phát nhiều lần, sốt kéo dài, cứ hết sốt rồi lại tái phát, dần dần dẫn đến tình trạng viêm amidan mãn tính.
Khi nào sốt amidan ở trẻ cần đi bệnh viện?
Trên thực tế, khi gặp bất cứ vấn đề sức khỏe nào người bệnh cũng nên đến bệnh viện kiểm tra và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều đó cũng có nghĩa nếu trẻ bị viêm amidan mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác tình trạng, mức độ bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Trường hợp mẹ tự điều trị sốt amidan ở trẻ tại nhà, nếu gặp một số tình huống dưới đây hãy đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời:
- Bé dưới 6 tháng tuổi bị sốt do viêm amidan
- Trẻ sốt cao trên 40 độ C
- Trẻ sốt kéo dài trên 3 ngày
- Bé đã hết sốt hơn 1 ngày nhưng sau đó lại sốt lại, sốt cao hơn 39 độ C
- Trẻ không đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường
Cách hạ sốt cho trẻ bị viêm amidan
Sốt là triệu chứng phổ biến khi trẻ bị viêm amidan, nếu sốt nhẹ thì mẹ không nên quá lo lắng. Trường hợp trẻ sốt cao, bên cạnh các phương pháp y tế chữa viêm amidan theo chỉ dẫn của bác sĩ, mẹ cần thực hiện ngay các biện pháp dưới đây để làm giảm thân nhiệt và cải thiện các triệu chứng kèm theo:
Chườm khăn lạnh hạ sốt amidan ở trẻ
Đây là biện pháp hạ sốt được nhiều người biết đến vì khá đơn giản và hiệu quả. Mẹ chỉ cần nhúng khăn vào nước, vắt khô và lau người cho trẻ nhất là ở các vị trí như bẹn, nách, cổ. Sau đó, mẹ dùng thêm 3 – 4 chiếc khăn nữa nhúng nước, vắt nhẹ và chườm lên trán, cổ và 2 nách của trẻ. Trong quá trình chườm lạnh, mẹ nên chú ý thay khăn thường xuyên vì khăn có thể nóng lên do nhiệt độ cơ thể trẻ truyền qua.
Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
Khi trẻ bị sốt, mẹ cần cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, có chất liệu thấm hút tốt. Điều này sẽ giúp mồ hôi thoát ra dễ dàng hơn, tránh gây khó chịu cho trẻ. Mẹ không nên cho trẻ mặc quần áo chật, dày, chất liệu chắn gió vì sẽ khiến trẻ sốt nặng hơn.
Giảm nhiệt độ phòng
Nếu thời tiết nóng và khó chịu, mẹ có thể mở điều hòa hoặc quạt để làm giảm nhiệt độ không gian nghỉ ngơi của trẻ. Lưu ý là không điều chỉnh nhiệt độ điều hòa thấp hơn nhiệt độ môi trường quá 3 độ và không đặt trẻ gần điều hòa và quạt.
Tăng cường uống nước
Sốt dễ làm trẻ mất nước. Do vậy, nếu trẻ đang bị sốt do viêm amidan, mẹ hãy khuyến khích trẻ uống nhiều nước, bao gồm cả nước trái cây và nước súp. Bổ sung nước không chỉ hạn chế tình trạng mất nước mà còn giúp hỗ trợ giảm sốt cho trẻ.
Tăng cường nghỉ ngơi
Hoạt động thể chất khi đang bị viêm amidan có thể khiến trẻ mệt mỏi và lâu khỏi hơn. Do vậy, tốt nhất, mẹ nên khuyến khích trẻ nghỉ ngơi trên giường. Nếu trẻ hiếu động, hãy hướng dẫn trẻ những hoạt động có cường độ nhẹ.
Bổ sung dinh dưỡng
Tăng cường các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, giàu khoáng chất, vitamin sẽ giúp cải thiện hệ miễn dịch của trẻ, giúp trẻ nhanh chóng lành bệnh hơn.
- Ăn đa dạng các loại rau xanh để tăng cường sức đề kháng.
- Bổ sung thực phẩm nhiều đạm như thịt, cá, trứng, các loại đậu…
- Tăng cường trái cây và nước ép trái cây để bổ sung vitamin và giảm sốt.
- Chế biến thức ăn dạng mềm lỏng, dễ nuốt, chia thành nhiều bữa để trẻ dễ hấp thu.
- Hạn chế những thực phẩm nhiều đường, có vị cay nóng như tiêu, ớt, mù tạt…và thức ăn tái sống.
Dùng thuốc hạ sốt
Nếu trẻ sốt cao, mẹ có thể sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ. Paracetamol là loại thuốc được khuyến cáo nên dùng vì an toàn, ít tác dụng phụ đối với trẻ em. Tùy thuộc vào tình trạng, độ tuổi của con, mẹ có thể sử dụng dạng thuốc đường uống hoặc đặt hậu môn.
Với trẻ lớn trên 4 tuổi có thể cân nhắc sử dụng Ibuprofen để thay thế. Tránh sử dụng các loại thuốc NSAIDs khác, đặc biệt là Aspirin vì có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm.
Cách phòng ngừa và chăm sóc trẻ bị sốt do viêm amidan
Các chú ý dưới đây sẽ giúp mẹ chăm sóc trẻ bị viêm amidan tốt nhất, đồng thời hạn chế nguy cơ tái viêm:
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
- Không tắm bằng nước lạnh, không dội nước lên đầu hoặc tắm để hạ sốt
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ
- Nghỉ ngơi hợp lý
- Vệ sinh răng miệng, hầu họng bằng nước muối sinh lý hằng ngày
- Bổ sung đủ nước mỗi ngày
- Luôn giữ ấm cơ thể đặc biệt là khi trời trở lạnh
Như vậy, sốt amidan vốn không phải là triệu chứng bệnh lý bất thường. Để giải quyết tình trạng này không khó, bố mẹ cần bình tĩnh nhận diện và xử lý đúng cách theo hướng dẫn. Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ hoặc người thân bị sốt do viêm amidan.