Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng chu kỳ kinh nguyệt không đều ở phụ nữ: Kinh nguyệt đến sớm, kinh nguyệt đến muộn, lượng máu kinh ra nhiều hoặc ít, số ngày hành kinh kéo dài ..Rối loạn kinh nguyệt thường gặp nhiều ở những bạn nữ tuổi dậy thì hoặc ở tuổi tiền mãn kinh.
Lượng máu kinh mất đi quá ít hoặc quá nhiều, màu sắc thay đổi… đều là những biểu hiện của chứng rối loạn kinh nguyệt. Bài viết này sẽ chỉ ra cho bạn tất cả những biểu hiện thường thấy nhất của rối loạn kinh nguyệt, cảnh báo những ảnh hưởng của rối loạn kinh nguyệt đối với sức khỏe nữ giới và cách điều trị hiệu quả nhất.
Những biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt bạn cần nắm rõ
Kinh nguyệt đến sớm
Nếu kinh nguyệt đến sớm hơn 7 ngày trở lên hoặc một tháng có 2 lần kinh nguyệt thì gọi là hiện tượng kinh nguyệt đến sớm, và đây chính là biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt
Kinh nguyệt đến chậm
Chu kì ngắn hay dài tuỳ thuộc vào từng người, nhưng nếu vượt quá 7 ngày mới xuất hiện trở lại thì được coi là chậm kinh. Chu kì kinh ngắn hay dài phụ thuộc vào thời gian phát triển và chín của nang trứng trong buồng trứng, mà chu kì hoàng thể là giống nhau, thường là 14 ngày.
Vô kinh
Là hiện tượng kinh nguyệt ngừng từ 6 tháng trở lên. Có 2 loại vô kinh là nguyên phát và thứ phát.
Vô kinh nguyên phát là trường hợp các bạn nữ trên 18 tuổi mà chưa có kinh. Nguyên nhân thường gặp là do bất thường ở bộ phận sinh dục hoặc các tuyến nội tiết liên quan đến hoạt động sinh dục như: không có tử cung, không có âm đạo, màng trình không thủng, teo buồng trứng bẩm sinh.
Vô kinh thứ phát là để chỉ trường hợp vốn có kinh nhưng do một nhân tố nào đó dẫn đến tắt kinh trong vòng 3 chu kỳ trở lên. Nguyên nhân gây vô kinh thứ phát là do nội tiết như suy tuyến yên, buồng trứng.
Kinh nguyệt thưa, ít
Nếu chu kỳ kinh nguyệt ở trong khoảng từ 36 ngày đến 6 tháng thì gọi là kinh nguyệt thưa. Thời gian bị kinh ít hơn 3 ngày, lượng băng vệ sinh dùng rất ít hoặc không dùng thì gọi là kinh nguyệt ít.
Xuất huyết không theo quy luật
Kinh nguyệt thì không có tính quy luật, thời gian giữa 2 kỳ kinh nguyệt có thể kéo dài vài ngày, thậm chí là vài tháng. Ngoài ra, lượng kinh nguyệt có lúc nhiều, có lúc ít.
Xuất huyết giữa kỳ kinh
Thường xuyên bị xuất huyết vài ngày trong thời gian giãn cách giữa 2 chu kỳ. Lượng máu trong giai đoạn này cũng tương đối ít.
Thống kinh
Là hiện tượng trong thời kỳ kinh nguyệt, bụng dưới bị đau dữ dội, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày. Thống kinh thì có 2 loại là thống kinh nguyên phát và thứ phát. Thống kinh nguyên phát thường xảy ra sớm, ngay hoặc sau vài kỳ hành kinh đầu. Trong khi đó, thống kinh thứ phát xảy ra muộn nhiều năm sau, thường có nguyên nhân như: tử cung quá đổ sau, chít hẹp cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung.
Màu sắc của máu kinh không bình thường
Màu máu kinh thông thường là màu đỏ thẫm. Nếu là màu đỏ tươi, hồng nhạt, đỏ tía và chuyển màu đen đều là những biểu hiện không bình thường.
Những ảnh hưởng của rối loạn kinh nguyệt đến sức khỏe nữ giới
Rối loạn kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của một cơ thể không khỏe mạnh do các tác động bên ngoài: Tâm trạng không tốt, cơ thể mệt mỏi, làm việc quá sức… Tuy nhiên, nó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến một vài vấn đề về sức khỏe như:
Nguy cơ dẫn tới vô sinh
Rối loạn kinh nguyệt khiến cho các chị em rất khó xác định ngày rụng trứng để tiến hành thụ thai. Nếu không được chữa trị kịp thời để điều hoà kinh nguyệt trở lại và kiểm soát các bệnh phụ khoa nguy hiểm khác thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ sinh sản. Trường hợp xấu nhất còn có thể gây vô sinh.
Gây thiếu máu
Rối loạn kinh nguyệt trong trường hợp rong kinh kéo dài sẽ làm mất nhiều máu, xuất huyết không theo một quy tắc nào, dẫn đến thiếu máu. Từ đó, cơ thể mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, tim loạn nhịp…nếu kéo dài, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Dẫn đến các bệnh ác tính
Rối loạn kinh nguyệt do các bệnh phụ khoa gây ra. Trong đó phải kể đến các bệnh u xơ tử cung, ung thư buồng trứng, tăng sản lạc nội mạc tử cung, viêm cổ tử cung, polyp tử cung, mất cân bằng hormone…Nếu không kịp thời điều trị thì sẽ trở thành bệnh ác tính.
Ảnh hưởng đến nhan sắc và “chuyện ấy”
Rối loạn kinh nguyệt kéo dài sẽ làm chị em mệt mỏi, chán ăn, da mặt nhợt nhạt, dễ xuất hiện tàn nhang, nám và mụn đầu đen. Nhan sắc dần dần phai tàn. Ngoài ra, còn tạo cảm giác khó chịu và đau nhức ở vùng kín, điều này khiến chị em không tự tin trong “chuyện ấy”, cảm giác ham muốn mất dần.
Biện pháp điều trị rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt không chỉ ảnh hưởng đến tới sức khoẻ mà còn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Do vậy, việc khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần và thăm khám phụ khoa giúp kiểm soát tốt các nguy cơ mắc bệnh, đảm bảo sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần cũng như nhận tư vấn và cách điều trị từ bác sĩ chuyên môn.
Ngoài ra, các chị em có thể áp dụng các biện pháp chữa trị tại nhà như điều chỉnh chế độ ăn uống cho hợp lý để bổ sung tối đa các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tích cực tập thể dục thể thao, giữ tâm lý thật thoải mái, tạo không gian sống lành mạnh để đầu óc thư giãn.
Một điều kiêng kị để tránh rối loạn kinh nguyệt là hạn chế sử dụng thuốc tránh thai trong quan hệ tình dục cũng như hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…
Kinh nguyệt là yếu tố liên quan mật thiết đến sức khỏe sinh sản. Vì thế, khi bị rối loạn kinh nguyệt hoặc có bất cứ dấu hiệu bất thường nào hãy nhanh chóng thăm khám để được hỗ trợ tốt nhất nhé.